Four-handed Buddha pagoda

Four-handed Buddha pagoda

Từ thành phố Long Xuyên, băng qua những cánh đồng lúa vàng óng trải dài vô tận, du khách sẽ đến với thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn. Đi thêm 10 cây số nữa, du khách sẽ đặt chân đến thị trấn Óc Eo, nơi đây đã được các nhà khảo cổ học xem là cái nôi của nền văn minh, văn hóa Óc Eo. Văn hóa Óc Eo là tên gọi chung của nền văn minh gắn liền với vương quốc Phù Nam huyền thoại nằm ở khu vực phía Nam. Trải qua gần 1,500 năm với biết bao biến động của lịch sử và thiên nhiên, nền văn hóa ấy đã bị mai một và dần trôi vào quên lãng. Đến với thị trấn Óc Eo, du khách sẽ được viếng thăm một ngôi chùa có tên gọi là Chùa Phật Bốn Tay hay còn gọi là Linh Sơn Cổ Tự. Từ chợ Óc Eo, men theo con đường nhựa theo hướng đông nam của dãy núi Ba Thê hùng vĩ, du khách sẽ bắt gặp cổng chùa nằm trên triền núi với hai chú sư tử bằng sứ được đặt ngay trước cổng chùa. Leo lên các bậc tam cấp, du khách sẽ đến với cổng chính của ngôi chùa. Hai bên cổng có bốn câu đối và bốn hàng đại tự xiển dương Phật pháp. Bước vào bên trong ngôi chùa, du khách như lạc vào một không gian trầm mặc với những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm, và lắng nghe tiếng gió núi thổi rì rào cùng tiếng lá khô rơi xào xạc trước sân chùa.
Pho tượng Phật bốn tay được thờ ngay chánh điện chùa Linh Sơn ở thị trấn Óc Eo. Nguyên thủy tượng Phật được làm từ loại đá cổ màu đen. Vẻ mặt và hình dạng của Ngài phốp pháp, mắt mở to trong tư thế ngồi kiết già. Ngài khoác trên mình chiếc áo màu lam nhã nhặn, đội chiếc nón như các vị Lạt Ma Tây Tạng và mỗi tay cầm một linh vật nhỏ. Tay phải trên nắm lấy xâu chuỗi, tay trái trên bắt ấn A Di Đà, tay phải dưới nắm một cái chuông nhỏ, và tay trái dưới nắm trái châu. Theo lời truyền tụng của dân gian và lời kể của hòa thượng trụ trì Thích Thiện Trí, vào năm 1913, khi chính quyền thực dân Pháp cho xe ủi đất làm đường và xây dựng đồn bót Ba Thê dưới chân núi thì người dân đã phát hiện một pho tượng Phật bằng đá đen có bốn tay, cao 1.7 mét nằm sâu dưới mặt đất khoảng 2 mét. Ngay lúc đó, người dân Khmer đã huy động những thanh niên trai tráng khỏe mạnh khiêng tượng về núi để thờ, bởi họ tin rằng đó là tượng thần Núi Neata Phrom. Nhưng lạ thay, họ không sao nhấc được vì pho tượng quá nặng. Sau đó, những bô lão phải đứng ra lập bàn thờ khấn nguyện rước tượng về thờ thì khi đó pho tượng mới được di dời một cách dễ dàng và được thỉnh về đặt tại chùa cho đến ngày nay.
Trước đó, hai tấm bia được làm bằng đá bùn cũng được tìm thấy, mỗi bia cao 1.8 mét, bề ngang 80 cm, và dày 20 cm. Trên bia có khắc những hàng cổ tự nhưng không ai có thể đọc được. Sau đó, những người dân quanh vùng đã đóng góp công của cất lên ngôi chùa Linh Sơn để thờ phụng tượng Phật bốn tay cho đến ngày hôm nay.
Theo các nhà nghiên cứu thì tượng Phật bốn tay thực chất là tượng thần Vishnu có rắn thần Naga bảy đầu. Các hàng cổ tự được khắc trên hai tấm bia cho đến bây giờ vẫn chưa có ai có thể giải mã được, nhưng được cho là có chung nguồn gốc với chữ Brahmi của người Ấn Độ được sử dụng từ thế kỉ thứ 2 đến thế kỉ thứ 6 sau Công Nguyên.
Ở phía sau ngôi chùa, gần di chỉ Nam Linh Sơn, có một cây dầu mọc từ gốc lên bốn nhánh, cao khoảng 50 mét. Người dân địa phương gọi cây dầu này là cây Bốn Ngón, được ví như những ngón tay của Phật.