Lễ hội chùa Hương

Lễ hội chùa Hương

Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, hàng triệu phật tử cùng du khách thập phương lại nô nức tiến về vùng núi rừng Hương Sơn trẩy hội chùa Hương để cầu phúc, cầu tài, cầu may... Đã thành thông lệ, ngày mồng sáu tháng giêng hàng năm sẽ là ngày khai hội. Hội chùa Hương thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch và phần chính của lễ hội thường từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Lễ hội chùa Hương năm nay rơi vào ngày 19 tháng hai, 2010 Dương lịch. Dù còn vài ngày nữa mới chính thức khai hội chùa Hương nhưng ngay từ ngày mồng 1 Tết, khoảng 600.000 du khách và Phật tử đã đi lễ chùa. Lễ hội chùa Hương là lễ hội tôn giáo lớn nhất và dài nhất ở Việt Nam. Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Du khách có thể đến chùa Hương bằng nhiều đường: đường bộ, đường thủy… mà bến Đục là điểm xuất phát chính của hành trình. Trước khi vào vãn cảnh chùa Hương, các du khách phải đến đi ô tô mất khoảng 2 giờ từ Hà Nội để đến bến Đục và từ đây mới xuống thuyền đi dọc theo dòng suối vào chùa. Những con thuyền xuôi lững lờ dọc suối YếnVĩ để du khách thả hồn vào thiên nhiên, lặng ngắm hai bên bờ, xa xa sau màn sương mỏng nhẹ là trùng điệp núi biếc. Năm nay, ở thắng cảnh Hương Sơn có trên 4.600 con thuyền tấp nập chở khách vào ra. Ban tổ chức cũng ưu tiên sắp xếp những chiếc thuyền tốt cho các du khách nước ngoài bởi hiện tại số lượng thuyền du lịch chất lượng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Một số chiếc thuyền vừa mới bổ sung thêm cũng sẽ được đưa vào để chở các liền anh liền chị hát dân ca quan họ trên dòng suối Yến phục vụ cho du khách. Trên đường từ bến Yến vào Bến Trò, thuyền sẽ dừng lại chốc lát tại đền Trình (có nghĩa là nơi "trình diện" với thần linh trước khi đến cõi Phật) trên núi Ngũ Nhạc. Đây là đền thờ một vị thần núi. Đền còn có tên Quan Lớn, thờ một bộ tướng của vua Hùng. Tiếp đó, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các địa danh như chùa Hình Bồng, suối Giải Oan, chùa Thanh Sơn, đền Long Vân, Cây Khế, Tuyết Sơn và Mẫu Mẹ, Chùa Thiên Trù và động Hương Tích. Chùa Thiên Trù còn được gọi là chùa Ngoài, được xây dựng vào thế kỷ XVIII. Ở đây còn có Thiên Thủy tháp là một mỏm đá mọc ngược thành một cây tháp thiên tạo, nước mưa trên núi theo tháp chảy xuống. Gần chùa Thiên Trù là núi Tiên, có chùa Tiên trong động, nổi tiếng với 5 pho tượng lớn khắc bằng đá. Trong động có những nhũ đá rủ xuống với nhiều dáng vẻ khác nhau. Có những nhũ đá khi gõ vào thì vang lên tiếng tiêu du dương. Tiếp theo hành trình khám phá cụm danh thắng Hương Sơn, du khách sẽ lên động vào chùa Hương Tích (còn gọi là chùa Trong). Ðường lên động quanh co, lắm dốc lên, dốc xuống với hàng trăm bậc cấp bằng đá. Dọc đường đi, du khách sẽ được mãn nhãn với cảnh sắc Hương Sơn tuyệt đẹp như thực như mơ, xa xa là cánh đồng mênh mông bát ngát với bóng dáng của những người nông dân đang gieo mạ xuân. Lên tới bậc đá cao nhất đứng nhìn xuống, du khách sẽ thấy một vòm hang rộng, sâu, hun hút trông giống như hàm của một con rồng, đó là động Hương Tích. Qua cổng, đi xuống 120 bậc đá là vào tới lòng động. Trên cửa động có năm chữ Hán: “Nam Thiên đệ nhất động” (Ðộng đẹp nhất trời Nam) được cho là của chúa Trịnh Sâm (1767-1782) tự tay đề lên. Hệ thống cáp treo vừa mới được xây dựng gần đây phục vụ cho những du khách không có đủ sức khỏe leo núi. Chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng/ lượt là bạn chỉ việc ngồi trong cabin của cáp treo và ngắm nhìn non nước hữu tìnnh bên ngoài cửa kính. Buổi khai hội chùa Hương diễn ra trang trọng và ngay sau đó Ban tổ chức cũng khai mạc triễn lãm “mỹ thuật Phật giáo” và “cổ vật Phật giáo”. Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương cho biết tính tời thời điểm này, đây được xem là buổi triễn lãm các tác phẩm về Phật giáo lớn nhất ở Việt Nam. Lễ hội sẽ kéo dài cho đến tận ngày 28 tháng 4 với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các buổi cầu nguyện… Và năm nay, hướng tới chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; 1.000 Phật giáo Thăng Long – Hà Nội, lễ hội sẽ có thêm các chương trình như “Tuần lễ văn hóa Phật giáo” và thả 500 hoa đăng trên dòng suối Yến. Hội chùa Hương là lễ hội văn hóa tín ngưỡng mang theo sự sùng bái tự nhiên và là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi, vãn cảnh… khiến cho lễ hội này mang những nét đặc sắc mà không lễ hội tôn giáo nào ở Việt Nam có được. Quần thể kiến trúc Phật giáo Hương Sơn kết hợp với các công trình tự nhiên của tạo hóa hứa hẹn sẽ đem lại cho du khách một chuyến hành hương mùa xuân thư thái mang đến sự cân bằng trong tâm thức và cơ thể. Hiện nay, ban quản lý lễ hội đang thực hiện những bước đầu tiên lập hồ sơ đề nghị tổ chức UNESCO công nhận lễ hội chùa Hương, lễ hội tâm linh kéo dài nhất và thu hút đông khách nhất Việt Nam là Di sản văn hóa thế giới.